Châu Á: làm sao phá các khu nhà ổ chuột ?


Châu Á: Làm sao phá các khu nhà "ổ chuột"?

Việt Nam cũng đang gặp phải vấn đề nan giải như các nước trong khu vực khi người nhập cư đổ vào đô thị ngày một nhiều, tạo ra các khu ổ chuột mới.

Hiện tại, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á đang phải đối mặt bài toán khó: Dân nông thôn ồ ạt đổ về thành phố lớn để rồi phải sống trong các khu ổ chuột tồi tàn.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy một thực tế đáng ngại là khoảng 55% dân thành thị sống trong các khu ổ chuột ở Campuchia, ở Mông Cổ là 43%, Philiipines là 38%, Myanmar là 41%.

Riêng ở Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc - thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tỉ lệ dân thành thị trong khu ổ chuột là hơn 20%.

Trên một số khía cạnh, các quốc gia này đang phải hứng nhận hậu quả từ thành công của chính mình. Quá trình đô thị hóa ồ ạt và di cư trong nước đã vượt quá khả năng của các chính phủ trong việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ thiết yếu.

Ở những nơi như thủ đô Jakarta của Indonesia hay Manila của Philippines, công trình nhà ở bất hợp pháp hoặc thiếu quy hoạch mọc lên với mật độ dày đặc để đáp ứng nhu cầu ở của hàng triệu lao động nhập cư - động cơ chính của nền kinh tế.

Một khu nhà ổ chuột ở thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Makiko Watanabe, chuyên gia đô thị của Ngân hàng thế giới, nhận định, các khu ổ chuột là bằng chứng nền kinh tế đang tăng trưởng và cơ hội thường chỉ có ở thành phố lớn. Song, các chính phủ không thể cung cấp đủ nơi ăn chốn ở cho những người mới. Các chính phủ cần phải cải thiện chính sách sử dụng đất đai và điều chỉnh giá nhà ở cho phù hợp.

Bài học từ các nước phát triển: Giá nhà hợp túi tiền

Các nước đang phát triển có thể học hỏi từ thành công của các láng giềng như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, những nước cũng từng vật lộn với khu ổ chuột trước đây - bà Watanabe đưa ra lời khuyên.

Ở Singapore, chính phủ xây dựng một siêu đô thị như ngày nay từ một thị trấn nông thôn với các khu ổ chuột bằng cách tạo ra nhiều dạng nhà ở giá cả phù hợp với túi tiền người dân. “Chỉ cần có quyết tâm chính trị, điều này có thể thực hiện được” - bà Watanabe nhấn mạnh.

Một chiến lược khác có thể áp dụng là tăng cường thêm các trung tâm đô thị bên ngoài thành phố lớn bằng cách xây bệnh viện, trường học, đường cao tốc và sân bay để khuyến khích thêm đầu tư, tạo ra việc làm mới.

Từ Bắc Kinh cho đến Bangkok, các chính phủ đang cố gắng khắc phục tình trạng thủ đô/thành phố lớn thu hút hết lực lượng lao động và vốn đầu tư. Tại Philippines, nó đồng nghĩa với nỗ lực phân chia bớt lượng của cải và đầu tư tập trung ở Manila. Thủ đô của Philippines đang là khu vực sinh sống của 22 triệu người và chiếm hơn 1/3 nền kinh tế.

Chuyên gia Watanabe kết luận, nếu thành công trong việc xây dựng các trung tâm kinh tế vệ tinh thì khi đó có thể giảm bớt mật độ dân số. Cần phải thay đổi cách nhìn cho rằng dân ổ chuột là gánh nặng cho chính phủ và xã hội. Bởi họ tạo ra nhiều việc làm cần thiết cho thành phố lớn cũng như nhiều cơ hội kinh tế, song họ chưa được công nhận đúng vì họ thuộc một khu vực kinh tế không chính thức. Có một sự thật cần thừa nhận, họ là xương sống của nền kinh tế.

(Theo Tuổi trẻ Online)